Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

SƠN PHONG ĐỆ TỨ PHƯỜNG
(Theo tư liệu của nhà khảo cứu Phạm Thúc Hồng và thực tế khảo sát)

Phố cũ Hội An khống chế từ “Thượng chùa cầu” đến ”hạ Âm Bổn”. 
Vậy qua khỏi mốc giới Âm Bổn là gì? – Là: Sơn Phong đệ tứ phường (không tính cựu xã Cổ Trai đã nhập vào Minh Hương xã).

Dấu chân tiền nhân bạt đất khơi nguồn đã kiêu hãnh đi vào quá khứ, dù chỉ còn lại đây vài vết tích nhỏ nhoi, nhưng vẫn phảng phất hành trình bi hùng dựng làng mở đất.

Đình Sơn Phong trên đường Nguyễn Duy Hiệu

Cho đến nay, trong văn tế cúng đình làng và trong nhiều hộ dân cư Sơn Phong vẫn còn tuyên địa danh: TẦM VÔNG XỨ. Việc truy tìm cho thấy quá nhiều lý giải chắp vá và vay mượn. Theo ghi chép của ông Hương Quợt (tính đến nay đã hơn 150 tuổi) làm thầy phù thủy tại bản quán Sơn Phong thì hai chữ Tầm Vông được truyền khẩu từ xa xưa, từ thời người dân Chàm còn đang cộng cư chung sống với người Việt, bằng chứng còn đây: Ngôi cổ miếu đã tồn tại hơn 300 năm (bây giờ là đình Sơn Phong) thờ nữ thần Chàm “Thiên Y A Na” gọi là miếu “Tầm Vông”.

 
Ông Bùi Thi, 95 tuổi, hương lão Sơn Phong phường.

Trên, tạm cho là phần sơ sử. Bước vào Sơn Phong cận đại, căn cứ theo bản truyền thi ngày 2 tháng 3 năm Minh Mạng thứ bảy (1826) của dinh Quảng Nam gửi hương chức các xã và bang trưởng Hoa kiều có nội dung sau:
“Tỷ lai, chư Thanh thuyền lai thương Hội An phố.
Kỳ thuyền sưu đình nghị tại Minh Hương, Hội An, Cổ trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phố, lục xã địa phận...”
(Gần đây, các thuyền người Thanh đến buôn bán tại phố Hội An. Các thuyền ấy dừng đỗ tại Minh Hương, Hội An, Cổ trai, Đông An, Diêm Hộ, Hoa Phố, địa phận của sáu xã...)

Và theo “Việt Nam khảo cổ tập san – Chen Chin Ho – Bộ Quốc gia giáo dục – 1962”:
“Hội An phố nguyên là đất các xã Thanh Hà, Cẩm Phô, Trà Nhiêu, Cổ Trai, Hội An và sau khi Minh Hương xã được thành lập thì Hội An phố gồm các xã Minh Hương, Cẩm Phô, An Thọ, Phong niên, Hoa phố và Hội An. Hiện nay, An Thọ, Phong Niên và Hoa Phố nhất hợp lại thành Sơn Phong thôn”.

Tính đến trước năm 1850:
Xã Hội An: gồm các đường từ Phan Châu Trinh đến sân vận động Hội An và cả con đường Lê Lợi (có Hội An đình tức đình Ông Voi và Hội An Tiên Từ)

Đường Lê Lợi thuộc cựu xã Hội An
Xã Minh Hương: Từ chùa Cầu đến Quan Thánh miếu, từ bờ sông đến đường Phan Châu Trinh gồm hai ấp Hương Thắng và Hương Định.
Xã Cổ Trai: Từ Quan Thánh miếu đến đường Hoàng Diệu hiện nay (Năm 1883 theo đề nghị của ông lý trưởng Lý Hữu Huân, xã Cổ Trai sáp nhập vào xã Minh Hương. Theo truyền ngôn, xã Cổ Trai có xóm Mậu Tài, dân đinh khoảng 9 người chuyên nghề đồng, thau, chì, cước từ Huế vào định cư. Họ đã lập miếu Mậu Tài ngay góc ngã tư Hoàng Diệu – Nguyễn Duy Hiệu. Ngôi miếu này đã bị hư sập không còn vết tích).
Xã An Thọ: Trước gọi là Đông An là khu đất từ đường Hoàng Diệu đến đình Sơn Phong và từ bờ sông đến ranh giới Trường Lệ, Cẩm Châu. Xã An Thọ có miếu An Thọ bên cạnh cây đa đối diện với miếu Mậu Tài theo trục đường Nguyễn Duy Hiệu. Miếu này cũng bị hủy hoại cách nay hơn 50 năm.
Xã Hoa Phố: Tiền thân của xã Sơn Phô, nay là Sơn Phô I và Sơn Phô II thuộc phường Cẩm Châu
Xã Phong Niên: Trước gọi là Diêm Hộ, đất được tính từ đình Sơn Phong đến ranh giới khối phố Sơn Phô. Xã Phong Niên có Đình Phong Niên nay cải là Đình Sơn Phong.

Ngã tư Nguyễn Duy Hiệu - Hoàng Diệu. 
Ngày trước, trên lề trái là miếu Mậu Tài, trên lề phải là miếu An Thọ.
ĐỊA DANH SƠN PHONG RA ĐỜI
Theo “Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử” của Nguyễn Chí Trung:
“Thời Pháp thuộc: Năm 1898 (20/10) vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Faifo làm tỉnh lỵ Quảng Nam. Đến 30/8/1899 Toàn quyền Đông Dương lúc ấy là Foures ký nghị định chuẩn y đạo dụ trên gọi là VILLE DE FAIFOO và phạm vi hành chính gồm các xã Hội An, Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong”

“...đáng chú ý là ngay trên phường Sơn Phong ngày nay, nguyên trước là đất của các làng nhỏ hợp thành vào thế kỷ thứ XVIII, đó là Phong Niên, An Thọ, Đại An. Sau được nhập lại thành làng An Phong và nhập thêm làng mới là Mậu Tài. Đến khi trở thành Sơn Phong là do Công sứ Pháp cắt 18 mẫu đất của làng Sơn Phô nhập vào”.

Như vậy, Sơn Phô cắt số đất là: 18 mẫu trung kỳ x4970 mét vuông/mẫu = 89460 mét vuông. Số đất này thuộc ấp Sơn Tây của làng Sơn Phô nhập vào Sơn Phong vì vào đầu năm 1945 nhân dân ấp Sơn Tây phụng cúng hoành phi tại đình Sơn Phong để tỏ lòng hoài niệm về sự hòa nhập vào xã mới.

Vậy Sơn Phong được hình thành từ các xã ấp có tên gọi cũ là An Thọ, Phong Niên, Đại An (chưa rõ nằm ở đâu), Sơn Tây, An Hòa.
Xã hiệu Sơn Phong ra đời trước năm 1899, là tên ghép của Sơn Tây hoặc Sơn Phô và An Phong.
(Theo ông Phạm Thúc Hồng: “Thời điểm xuất hiện xã hiệu Sơn Phong vào năm 1899 nhưng vào năm 1909, sắc phong của vua Duy Tân vẫn còn dùng xã hiệu Phong Niên. Xét độ tin cậy của hai văn bản thì văn bản hành chính năm 1899 của Nam triều và Toàn quyền Đông Dương có tính pháp lý nhà nước cao nhất. Còn sắc phong thần là việc làm thường xuyên trong phạm vi tín ngưỡng do Bộ Lễ Nam triều trình tấu cho vua chuẩn y)

Tháng 7 năm 1956, chính quyền Sài Gòn lập khu hành chính Cẩm Phô thuộc quận Điện Bàn chia thành 9 xã mới: Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Hội An, Cẩm Hải (nay là Điện Dương), Xuyên Long (nay là Duy Vinh). Các xã Cẩm Phô, Hội An, Minh Hương, Sơn Phong thành các thôn, ấp thuộc xã Hội An.
Tháng 7 năm 1962 thành lập quận Hiếu Nhơn thay cho khu hành chính Cẩm Phô, Sơn Phong vẫn là cấp thôn ấp của xã Hội An.
Sau năm 1975, Sơn Phong là đơn vị hành chính cấp xã phường.

QUÁ TRÌNH MỞ ĐẤT
Xét Theo địa mạo, vùng đất Sơn Phong hình thành hai khu vực khác nhau:
Vùng cựu địa
Là vùng đất đường Nguyễn Duy Hiệu trải dài về phía Bắc giáp với Trường Lệ (Cẩm Châu) hiện nay. Vùng đất này đã có người Chàm sinh cư có niên đại hình thành từ cổ sơ rồi sau đó người Việt tiếp cư.
Vùng tân bồi:
Trải dài từ đường Nguyễn Duy Hiệu đến bờ sông, từ đường Hoàng Diệu đến giáp ranh Sơn Phô. Những năm 1700, khu vực này là sông. Quá trình tân bồi diễn ra hai giai đoạn:
Một: từ những năm 1800 đến trước năm 1840, dòng Thu Bồn cạn dần về phía hạ lưu, phù sa bồi đắp thành một dãi đất từ chùa Cầu đến chùa Sư Nữ hiện nay. Năm 1841, một con đường mới được mở ra (và phát triển đến năm 1883 là hoàn tất với tên là Tân Lộ là đường Nguyễn Thái Học bây giờ). 

Đường Bạch Đằng
Hai: từ 1850 đến trước năm 1886, sông Thu Bồn tiếp tục bị bồi lấp phía hạ lưu, nhiều trận lụt lớn đã kéo đất lấp dần sông và đắp thêm từ cuối đường Nguyễn Thái Học về đến cồn Chài, vết tích còn lại cho đến bây giờ là con lạch Lò Vôi phía sau chùa Sư Nữ. Cũng trên vùng đất tân bồi này, năm 1878 con đường Bạch Đằng được hình thành cho đến cuối năm 1886. Còn đất Sơn Phong tuy được mở rộng nhưng khu này còn lầy lội và chính phủ Pháp cũng như Nam triều không để ý đến. Lúc này, tại đây, sự tụ cư chỉ mang tính tự phát. Theo lời các vị cao niên kể lại, lúc này chưa có con đường mang tên Phan Bội Châu, đây chỉ là nổng cát lẫn sình. Ông đội Xình (Police), quản lý khu chợ Hội An cho đem rác đổ xuống nơi này.
Đường Phan Bội Châu

Thời kỳ chiến tranh (45-54), Sơn Phong thành nơi tiếp cư của người dân Cẩm Thanh, Cẩm An, Duy Nghĩa, Duy Vinh... đến trú ngụ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét