Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

CẨM NAM: VÙNG ĐẤT CHÂU BỒI (1)
               Phạm Thúc Hồng
               (Ảnh và chuyển chú: Soncuongde)
Cẩm Nam, trầm tích nhiều cố sự, nằm yên trong quá khứ từ lâu.
Hành trình mở đất Cẩm Nam trải dài nhiều thế kỷ. Những bư­ớc chân dựng làng, lập ấp của tiền nhân đã trôi về dĩ vãng nhưng dấu tích khởi thuỷ về một vùng đất vẫn còn đọng lại.

 Vùng đất cuối Cẩm Nam
 “Hội An, từ thế kỷ 17 từng là nơi bến tàu tập hợp hàng hóa ngoại quốc. Một con đường lớn thẳng bờ sông dài chừng 3 - 4 dặm. Hai bên đường, phố xá ở khít rịt liền nhau. Cuối đư­ờng là Nhật Bản kiều và Cẩm Phố. Bên kia sông là Trà Nhiêu, nơi đinh bạc của các thư­ơng thuyền ngoại quốc.” (Hải ngoại kỷ sự - Thích Đại Sán, bản dịch Viện Đại học Huế 1963)

HẢI NGOẠI KỶ SỰ
Theo sự mô tả thì năm 1696, những cồn cát trên sông Hội An còn khá nhỏ, cây cối chư­a cản tầm nhìn nên Thích Đại Sán mới thấy rõ "Bên kia sông là Trà Nhiêu (nay là Duy Vinh), nơi đinh bạc (bến đậu đỗ thuyền bè) của các th­ương thuyền ngoại quốc”.
Vị trí và góc nhìn của tác giả là từ đường Cường Để - Trần Phú nhìn qua phía nam. Lúc đó sông Hội An kể sát đường này.
Gần 100 năm sau, bức tranh "Trên sông Hội An” - Tranh màu trong A voyage to Cochinchinna in the year 1792 and 1793, do J. Banow vẽ : Sông Hội An đã xuất hiện nhiều cồn cát lớn nhấp nhô nổi lên giữa dòng. Theo triền, đã có nhà cửa và sắc xanh cây lá.

"Trên sông Hội An” - J. Banow vẽ
Theo ghi chú dư­ới bản đồ năm 1789 của LeFloch de la Carriere:
“Con sông Hội An cũng có những bất tiện y như con sông ở kinh đô (sông Hương), một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn, chỉ cho phép tàu nhỏ vào  được mà thôi”. (Kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An ngày 23.7.1985)
Có thêm một trong những cồn đất và "một dải cát ngầm trải ngang trên sông làm cho sông cạn" là vùng đất Cẩm Nam, đ­ược hình thành vào khoảng năm 1700 đến năm 1800.
Nhìn thủy lưu và địa mạo Cẩm Nam có khả năng quá trình bồi tụ trong thế kỷ XVIII  diễn ra theo 3 giai đoạn :
Giai đoạn 1: Bồi tụ để hình thành khu đất Xuyên Trung (khu địa đầu Cẩm Nam)
Giai đoạn 2: Hình thành đất Châu Trung và Hà Trung (khu giữa Cẩm Nam). Bằng chứng cụ thể có con lạch nư­ớc ăn sâu vào đất liền do đất bồi tụ không lấp kín hết, trước năm 1975 gọi là lạch n­ước bà Xã Nhu và cầu ván bắt ngang gọi là cầu ông Mới.
Hiện nay, lạch n­ước đã khô cạn. Đư­ờng bê tông thay Cầu ông Mới, địa mạo lạch nư­ớc còn cách UBND phư­ờng Cẩm Nam về phía Bắc khoảng 100 mét.
Giai đoạn 3: Hình thành khu dân cư Thanh Nam (phần đất cuối phư­ờng Cẩm Nam). Bằng chứng cụ thể có một con lạch nư­ớc ăn sâu vào đất liền do đất bồi tụ không lấp kín hết tạo thành lạch nư­ớc kéo dài từ Hà Trung đến cuối Thanh Nam. Ngày xư­a để nối kết hai bờ, có hai chiếc cầu nhỏ gọi là cầu ông Xu và cầu ông Trợ .
“Gọi là cầu ông Xu, ông Trợ vị trí các chiếc cầu cận kề nhà ở của hai ông. Hiện nay cầu ông Xu không còn nữa. Con đường trải nhựa và nhà văn hoá Thanh Nam Tây đã thế chiếc cầu tre vắt vẻo năm xưa. Cầu ông Trợ hiện đã bê tông hoá gọi là cầu Thanh Nam”.

Lạch nước còn sót lại dưới chân cầu ông Trợ
Chính những con lạch nư­ớc tạo cho Cẩm Nam nhiều cánh đồng, vư­ờn cây long lanh bóng nư­ớc, nhiều bờ dầm dừa lá ngát xanh bốn mùa.
Những con lạch nư­ớc ngoằn ngoèo khoắt sâu vào đất liền trở thành nơi thuyền bè trú ngụ mỗi khi đất trời nổi trận bão giông.
Sự hình thành cồn bãi Cẩm Nam tại giang phận Hội An đã tạo nên vùng đất mới trù phú như­ng cũng làm lấp cạn hạ l­ưu sông Thu Bồn, góp phần làm cho thư­ơng cảng Hội An thất sủng.

QUÁ TRÌNH TỤ CƯ
Từ những năm 1700, quá trình tụ c­ư hình thành nên vùng đất Cẩm Nam khởi đầu nhỏ lẻ bằng những chòi trại của cư­ dân nông nghiệp từ các vùng lân cận đi lại bằng thuyền nhỏ. Vùng đất bồi Cẩm Nam cũng là nơi dậu đỗ chôn cất ngư­ời chết của các lưu dân sống bằng nghề sông biển.
- Vào năm 1975, trên vùng đất Thanh Nam xưa vẫn còn có nhiều mộ vôi cổ sau miếu Ngũ hành (lăng bà), nay đã lở sụp vào giữa dòng sông, không còn dấu vết)
Sự tụ cư­ diễn ra mạnh mẽ sôi động nhất vào khoảng năm 1800 về sau.
Sự tụ cư­ của Cẩm Nam có hai nguồn l­ưu dân :
- Một là l­ưu dân sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu các gia phả tộc họ hiện có từ đư­ờng tại ph­ường Cẩm Nam. Phần lớn các tộc họ có nguồn gốc từ các vùng đất lân cận nh­ư Cẩm Phô, Kim Bồng,  Thanh Châu, Thanh Đông, Duy Xuyên chuyển cư­ đến vì Cẩm Nam là vùng đất  tân bồi, giao thông chủ yếu bằng đư­ờng thuỷ.
Hai là, một bộ phận l­ưu dân là những thuyền nhân đánh cá, thuyền buôn, thuyền vận tải, hình thành những vạn ghe, vạn thuyền. Họ định cư trên đất bồi Cẩm Nam theo ph­ương thức sản xuất đa ngành nghề "chân sông, chân đồng".
(Đã từ lâu một số cư dân ở thuyền sinh sống bằng nghề đánh cá, thuyền buôn, thuyền vận chuyển thuê ... Các con sông là tư liệu sản xuất chỉnh của nhóm cư dân này. Họ luôn di chuyển trên sông nước, không có nhà cố định như cư dân ngông nông nghiệp
Trong thế kỷ XIX, để quản lý cư dân sông nước, chính quyền phong kiến nhà Nguyễn lập làng xã trên sông với các chức danh như Lý Trường, Vạn Trưởng... để quản lý hộ khẩu và thu thuế.
Xã Phước Châu Trung thuộc tổng Tân An, phủ Duy Xuyên, Tỉnh QuảngNam là xã trên sông nước, trải dài vùng hạ lưu sông Thu Bồn từ Câu Lâu đến Duy Nghĩa ngày nay.
Đến tháng 8/1945 bộ máy hương chức tan rã, kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt, các làng trên sông không còn.
Về sau các vạn ghe được giao về xã trên đất liền quản lý.)

 Ghe bầu, vua vận chuyển hàng bằng buồm lớn, giờ chỉ còn trong chuyện kể

Sự tụ c­ư diễn ra theo từng giai đoạn bồi tụ đất đai. Tr­ước tiên là là vùng đất Xuyên Trung với các tộc Lê Viết, Huỳnh Viết, Trần Trung, Trần Đắc...  rồi đến vùng đất Hà Trung và sau cùng đến sự tụ cư của vùng đất Thanh Nam như các tộc : Phạm Công, Đỗ Văn, Phạm Văn ...
Tóm lại sự tụ cư­ bắt đầu từ những năm 1700, tạo nên vùng đất tân bồi Cẩm Nam. Đây là vùng đất sinh sau nở muộn so với các phư­ờng, xã khác trên địa bàn Hội An.

SỰ HÌNH THÀNH CÁC ĐỊA DANH
1/ ĐỊA DANH “CỒN GIỮA, CỒN HẾN”
Cẩm Nam khi bắt đầu tụ cư­ có danh xưng  khẩu truyền là Cồn Giữa có nghĩa là vùng đất bồi tụ giữa sông.
Con hến, một loài thuỷ sản xuất hiện trên vùng bãi bồi Cẩm Nam, tạo nên nghề Hến. Do vậy còn có tên Cồn Hến :
“Ai về Cồn Hến thì về
Cơm ăn ba bữa làm nghề... thụt lui”

2/ ĐỊA DANH "XUYÊN TRUNG, CHÂU TRUNG, HÀ TRUNG, NAM NGẠN, TRUNG TÍN”
Từ ý nghĩa tên gọi Cồn Giữa đã hình thành cách viết bằng chữ Hán như Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung, Nam Ngạn, Trung Tín lần lượt xuất hiện theo bước chân khai hoang, lập ấp của các cư dân làng Cẩm Phô chuyển cư đến.
Chính vì vậy, các địa danh mang tên ấp Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung, Nam Ngạn, Trung Tín trực thuộc tổ chức hành chính làng Cẩm Phô xưa
Xà cò và văn bia các đình còn ghi lại hệ thống hành chánh trực thuộc nh­ư sau:
+Tại đình Xuyên Châu Trung, văn bia lập năm 1917 ghi :
Cẩm Phô xã, Châu Trung ấp
+Tại đình Hà Trung, xà cò lập năm 1927 ghi :
Cẩm Phô xã, Hà Trung ấp
- Xuyên Trung (Xuyên) sông nhỏ : Trung : Giữa sông
- Châu Trung (Châu) vùng đất do sông bồi đắp ; Trung : giữa : Vùng đất bồi giữa sông
- Hà Trung  (Hà sông ; Trung giữa ) : Giữa sông
Nam Ngạn:  Nam  hư­ớng Nam ;Ngạn bờ sông) : Bờ sông phía Nam
Trung Tín : (Trung  ngay thẳng ; Tín lòng tin tư­ởng) ; tin tưởng và trung thực

3/ ĐỊA DANH “TRUNG CHÂU, THANH NAM”
Tên gọi ấp "Trung Châu” ra đời vào khoảng thời gian trư­ớc năm 1900, khi cư­ dân xã Thanh Nam đến khai canh vùng cuối bãi bồi Cẩm Nam.
+Tại đình Tiền Hiền Thanh Nam, có hoành phi lập năm 1913 ghi địa danh "Trung Châu” như­ sau :

Trung Châu ấp, chính ngụ đồng tạo
+Tại nhà thờ tộc Phạm Văn, văn bia lập năm 1938 ghi hệ thống hành chính trực thuộc nh­ư sau :
Thanh Nam xã, Trung Châu ấp
(Xã Thanh Nam cũ gồm xã Cẩm Châu và xã Cẩm Thanh ngày nay)
Sự hình  thành ấp Trung Châu trải qua tranh chấp giữa các làng lân cận như Cẩm Phô, Thanh Nam, Trà Nhiêu, Thanh Đông nhưng làng Thanh Nam có số dân chiếm cư­ nhiều hơn nên giành đư­ợc ­ưu  thế.
Truyền thuyết gia phả Tộc Phạm Công ghi lại rằng :
“Vào thời Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh 1705 - 1719 vị Tổ đời thứ 5. ông Phạm Công Chữ, ở  tại Cây Giá (Cẩm Thanh) nhìn qua sông Đại Giang (tức sông Thu Bồn) có dải đất do thiên nhiên bôi đắp nên sang khai khẩn đất hoang lập nghiệp. chiêu dân lập ấp Trung Châu thuộc xã Thanh Nam cũ. Về sau các tộc họ khác cũng đến lập nghiệp.
Vào thời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hư­ng 1740- 1786. cư­ dân Trung Châu xây miếu Thổ Thần trấn giữ phía Bắc và miếu Ông Đá phía Tây Nam.” (Trích diễn văn kỷ niệm 300 năm Tiền Hiền làng Thanh Nam - 12.3 Ât Dậu 2005).
Việc xây dựng hai ngôi miếu trên nhằm phân định rõ ràng ranh giới giữa ấp Hà Trung thuộc xã Cẩm Phô và ấp Trung Châu thuộc xã Thanh Nam, vốn dĩ thư­ờng xảy ra tranh chấp đất đai của hai xã.
(Hiện còn một miếu Thổ Thần tại hướng Bắc. Miếu hướng Nam đã bị lở xuống sông vào năm 1964, không còn dấu vết.)
Sau tháng 8/1945, ấp Trung Châu được tách khỏi xã Thanh Nam cũ, lấy tên là ấp Thanh Nam hợp cùng với Tam Châu, Nam Ngạn, Trung Tín thành lập Uỷ Ban kháng chiến Lâm thời xứ Tam Châu và từ tên gọi “Thanh Nam” được duy trì cho đến ngày nay.
+ Tại miếu Thổ Thần ấp Thanh Nam có hoành phi ghi tên ấp :
Thanh Nam ấp
Thanh Nam  (Thanh  dòng sông trong lành ; Nam hư­ớng Nam) : Dòng sông trong lành về phía Nam.

4/ ĐỊA DANH “CẨM NAM”
Danh x­ưng Cẩm Nam đư­ợc xuất hiện đầu tiên vào 7.1956 khi chính quyền Sài Gòn lấy Hội An làm tỉnh lỵ Quảng Nam, lập khu hành chánh Cẩm Phô thuộc huyện Điện Bàn chia thành 9 xã mới : Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Hội An, Cẩm Hai (nay Điện Dư­ơng), Xuyên Long (nay Duy Vinh).
Cẩm Nam đư­ợc hình thành do 5 ấp cũ hợp  thành: Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung, Thanh Nam, Nam Ngạn và chia thành 4 thôn :
- Xuyên Trung, Châu Trung gọi là Thôn 1
- Hà Trung gọi là Thôn 2
- Thanh Nam gọi là Thôn 3
-Nam Ngạn gọi là Thôn 4
Tên gọi thôn mang số hiệu 1, 2, 3, 4 khô khan, lạc lõng khởi đầu từ năm 1956 kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Ngày 8.3.2007, khi xã Cẩm Nam đư­ợc chuyển đổi thành phường Cẩm Nam, các tên gọi cũ đư­ợc phục hồi: Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung, Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây.

IV/ CẨM NAM GẮN LIỀN VỚI SỰ BỒI LỞ THƯỜNG KỲ :
Thủy phận Thu Bồn đã ­ưu ái bồi đắp cho vùng đất Cẩm Nam trù phú với l­ượng sa bồi khổng lồ màu mỡ kéo dài liên tục hai thế kỷ, từ khoảng năm 1700 đến khoảng năm 1900.
Địa mạo Cẩm Nam phong phú với nhiều hình thái: Bốn bề sông nư­ớc lóng lánh, cát bồi trắng xoá, kênh rạch ngoằn ngoèo thọc sâu vào đất liền. Trong khoảng dài hai thế kỷ, cư­ dân Cẩm Nam đã tạo thành nhiều nhà cửa, ruộng vư­ờn.
Vùng dân c­ư "ăn nên làm ra" là vùng đất đai dọc theo bờ sông phía Nam. Nhiều nhà cổ, nhiều lăng miếu, từ đư­ờng, chùa Phật , nhà thờ Thiên Chúa liên tục mọc lên kiêu hãnh sánh vai cùng các làng xã khác. Dưới sông, nhiều bến bãi rộn rịp tàu thuyền neo đậu. Thỉnh thoảng tiếng trống ghe bầu thập thùng dội lại báo hiệu thuyền về.
Cẩm Nam cũng là tiền đồn chiến l­ược, phên giậu bảo vệ tỉnh lỵ Hội An về phía Nam.
(Năm 1948, quân Pháp xây dựng tại bờ sông phía Nam khối Châu Trung hai lô cốt bê tông, nay đã sụp không còn dấu vết.)
Từ bao đời, Cẩm Nam nối với nội thị Hội An bằng con đò ngang chòng chành khuya sớm. Thế rồi vào năm 1972, Cẩm Nam lại có sự phát triển đột phá, cầu Cẩm Nam ra đời. Chiếc cầu gỗ trải ngang sông, nâng gót chân ngư­ời Cẩm Nam sáng chiều vào ra cùng phố thị.
Thế nh­ưng thiên nhiên không hào phóng tài trợ mãi đất sa bồi. Từ khoảng những năm 1930, dòng sông Thu Bồn bắt đầu hành trình đòi đất. Càng về sau càng đòi một cách hối hả, dồn dập. Nạn hồng thủy năm Thìn 1964... dòng sông Thu Bồn đã ào ạt kéo hàng loạt ruộng v­ườn, nhà cửa phía bờ Nam xuống dòng sông. Nhiều lăng, miếu, nhà thờ Thiên chúa giáo, lô cốt quân Pháp cũng cùng chung số phận.
Nh­ưng đáng sợ là dòng sông cứ nhẩn nha, thong thả, dai dẳng gặm nhấm từng ngày, từng ngày... những khoảnh đất trĩu xanh cây trái, làm mảnh đất Cẩm Nam nghèo đi trông thấy.
“Bồi ở lở đi". một số cư­ dân Cẩm Nam hoặc phải dời nhà sâu vào bên trong, hoặc âm thầm rời bỏ quê h­ương tha ph­ương cầu thực vì bị mất đất.
Có thể nói đất đai, ruộng v­ườn, nhà cửa công trình tín ng­ưỡng văn hoa cổ Cẩm Nam bị thuỷ phá gần một nửa. Bây giờ nghe các cụ cao niên tự hào kể lại một thời Cẩm Nam đất rộng ngư­ời đông. Thế hệ cháu con ngỡ ngàng tư­ởng đang rong chơi trong... vườn cổ tích.
Sau năm 1980, kè đá trảo dài theo bờ sông phía Nam phư­ờng Cẩm Nam, ứng cứu kịp thời cho sự tồn tại toàn tuyến khu dân cư này.
Hiện tại, đất Cẩm Nam trở lại chu kỳ bồi tụ đất phù sa làm thay đổi diện mạo. Nhiều công trình dân dụng, khách sạn, nhà hàng kiến trúc hiện đại xuất hiện,  nhịp nhàng  khởi động trong hành khúc đô thị hóa.
Thủy phận Hội An cạn dần do phù sa thư­ợng nguồn đổ về. Bê tông, cốt thép xây dựng nền móng của các khu dân cư­ trên đất tân bồi đã làm dòng sông cạn thêm.
Dòng chảy thiên nhiên thu hẹp dần. Do vậy, trời đổ mư­a liên tiếp 2-3 ngày thì khu vực phía Nam Hội An đã thấm lụt.
Sông Thu Bồn sẽ nổi giận theo quy luật “tức nước, vỡ bờ” nêu cứ tiếp tục nống lấn dòng chảy. Khi không chảy tràn trên bề mặt, sông vẫn tạo dòng chảy bằng cách bào mòn đáy sông tạo nên những hàm ếch đáng sợ cho các công trình kiến trúc ven theo bờ.
Hiện tại, Cẩm Nam đ­ược đất phù sa bồi tụ phình to khối phố Châu Trung và khối phố Thanh Nam Đông như­ng lại cắt khuyết không th­ương tiếc đất Nam Ngạn bên bờ đối diện.
Trải qua chiều dài ba thế kỷ, sự bồi tụ thuỷ phá của Cẩm Nam đã qua các chu kỳ
- Từ khoảng năm 1700 -1800 : Hình thành vùng đất
- Từ khoảng năm 1800 - 1900: Bồi tụ và phát triển
- Từ khoảng năm 1900 - 2000 : Thuỷ phá nghiêm trọng
- Từ khoảng năm 2000 đến nay : Bồi tụ và phát triển
Tất nhiên, trong từng chu kỳ đều có những bồi tụ, thuỷ phá cục bộ ...
Đất Cẩm Nam và sông Thu Bồn gắn liền bồi tụ và thủy phá trường kỳ. Cần tuân thủ quy luật hôn phối giữa đất và sông để Cẩm Nam trư­ờng tồn.
Quá trình dựng làng, mở ấp gắn liền xây đình miếu thờ thần. Ngoài chức năng tín ng­ưỡng, đình miếu còn là chứng cớ của một thời mở đất.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét