Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

CHÙA VẠN ĐỨC HỘI AN
Năm 1695, theo lời thỉnh mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, phái đoàn thập đại sư từ Trung Hoa sang Việt Nam đã đến Huế để truyền giáo, trong đó có hòa thượng Minh Hải sau khai sơn chùa Chúc Thánh và hòa thượng Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức.
Chùa Vạn Đức khởi nguyên dựng lập năm 1699 tại thôn Đồng Nà xã Thanh Hà hướng mặt ra phía bắc bên bờ sông Đế Võng do một gia đình Phật tử phát tâm hỷ cúng. Chùa ban đầu có tên là Lang Thọ (dân tình thường gọi là chùa Cây Cau), chỉ là một am tranh cho đến 14 năm sau mới xây được ngôi Bửu điện.
Khi việc trùng tu ngôi tam bảo tạm ổn, ngài Minh Lượng đã thỉnh hài cốt của song thân từ Trung Hoa sang. Lập xong hai mộ phụ mẫu trong đất chùa, ngài lặng lẽ xuôi nam tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp.
Đến đời hòa thượng Phổ Triêm, trụ trì đời thứ ba, chùa thêm 1 lần đại trùng tu, chuyển hướng xoay lưng lại sông Đế Võng. Đến lúc nay chùa Lang Thọ (Cây Cau) cải danh lấy tên mới là… Vạn Đức!
Chùa Vạn Đức đã trải qua 14 đời trụ trì, xin chép lại tiểu sử 3 vị đầu tiên.
1/ Trù trì khai sơn: Minh Lượng
Ngài thế danh là Lý Nhuận, cha tên Lý Ân, mẹ tên Phan Thị Tề, sinh ngày 26 tháng 4 năm Bính Dần 1662 tại phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông Trung Hoa. Ngài thị tịch nơi đâu chưa rõ nhưng căn cứ long vị thờ ở chùa Thập Tháp, ngài tịch vào ngày rằm tháng 7 năm Kỷ Sửu 1769.
Ngài, là đệ tử của tổ nào hiện chưa rõ, với pháp danh Minh Lượng, pháp tự Nguyệt Ân, pháp hiệu Thành Đẳng đời thứ 34 môn phái Lâm Tế thuộc dòng kệ của tổ Đạo Mân.
Sau khi rời chùa Lang Thọ, ngài vào nam khai sơn chùa Đại Giác ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đây là ngôi chùa để người đồng hương của ngài lánh nhà Thanh sang Việt Nam, được chúa Nguyễn chấp nhận, có nơi chiêm bái tu hành.
Về sau ngài tiếp tục đi nhiều nơi hành đạo nên ít người biết được hành trạng đầy đủ của ngài.
Thời nhà Lê, chúa Nguyễn đã ban cho ngài một chiếc y gấm và một thế đao. Những năm 70, chúng tôi còn thấy để thờ tại chùa Vạn Đức.
Đời ngài tu theo đạo lý Bát Nhã nên ít lưu lại chứng tích.
2/ Trù trì đời thứ 2: Phật Tuyết – Tường Quang
Hiện nay chưa xác định được danh tánh và quê quán của ngài. Ngài sanh năm 1739, xuất gia với tổ Minh Lượng nên có pháp danh, pháp tự như trên. Sau khi ngài Minh Lượng vào nam, ngài đến cầu pháp với tổ Ân Triêm tại chùa Phước Lâm nên có pháp danh Pháp Ấn, pháp hiệu Quảng Độ. Ngài cũng khai sơn chùa Kim Liên ở ấp Trường Lệ. Ngài tạ thế ngày 17 tháng 9 năm 1811.
3/ Trù trì đời thứ 3: Phổ Triêm – Phước Sơn
Ngài thế danh là Lê Công Mạo, sinh năm 1735 tại Hoằng Hóa Bắc Kinh, vốn chuyên nghề dạy học và làm thuốc. Sau nhân chạy loạn vào ngụ tại xã Sơn Phô, Diên Phước, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngài xuất gia sau thời Tây Sơn, tu học tại chùa Vạn Đức lúc đã hơn 50 tuổi với pháp hiệu Phổ Triêm.
Ngày 28 tháng 10 (âm lịch) năm 1832, ngài lên giàn tự thiêu sau khi phát nguyện để lại ngón tay cái (đã thất lạc). Tang lễ ngài có đại diện triều đình tham dự và vua Minh Mạng sắc tứ thụy hiệu là Phước Sơn hòa thượng.
-------
Cách đây mới 5 - 10 năm, chùa Vạn Đức lại đại trùng tu, lần này chùa xoay 180 độ, hướng nhìn ra sông. Chúng tôi, bốn huynh đệ, một lần có đến ngoạn cảnh chùa nhưng chúng tôi không thấy 2 ngôi mộ song thân của tổ khai sơn như trước đây chúng tôi vẫn thấy. Chúng tôi dần đọc các bia mộ trong chùa nhưng chưa tìm ra. Lúc này có một tăng sĩ cũng đang dạo ngang, người nói như đủ cho chúng tôi nghe… “Các thầy lại cải tổ!”.
Cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu hàm ý câu này: Cải tổ là… cải tổ hay là cải lời tổ, cải lại tổ???
Bài này gom góp nhiều tư liệu trong đó có sử liệu do Phật học viện Quảng Nam ấn hành. Ảnh chưa biết tác giả và năm chụp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét