Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

CHÙA BÀ MỤ


CHÙA BÀ MỤ
Căn cứ gia phả tộc Lý (Triều Châu), gia phả tộc Trương (Đôn Mục), bi ký
chùa bà mụ của Cử nhân Ngũ phẩm Trương-Đồng-Hiệp viết năm 1922 và các tư liệu khác.

Từ năm 1437 Hội An đã có một số thương nhân người Hoa sang buôn bán, lúc bấy giờ còn ít người và đời sống thô sơ. Mãi đến năm 1644, thập Lão mới sang Việt Nam. Đó là di thần nhà Minh có họ KHỔNG, NHAN, DƯ, TỪ, CHU, HOÀNG, TRƯƠNG, TRẦN, THÁI, LƯU. Một số khác vào miền Nam cũng thành lập Xã hiệu, nhưng tại Quảng Nam là trước tiên mà Hội An là quy tụ đông hơn hết. 

Mộ ông Chu Kỳ Sơn (một trong Thập Lão) trong cà phê vườn Hoa-Trà-Tiên, Cẩm Châu, Hội An

Lúc đầu thập Lão đến Quảng Nam bằng đường biển, vào cửa Đại Chiêm rồi ngược sông Thu Bồn tạm cư tại Hà Lam và Trà Kiệu lấy nghề buôn bán làm sinh kế. Sau một thời gian nhận thấy nơi đây xa biển trở ngại cho việc buôn bán nên dời xuống Trà Nhiêu (Bàn Thạch), chợ Bà là những làng nằm hai bên Trường giang gần biển Cửa Đại cuối huyện Duy Xuyên bây giờ. Ở đây hiện vẫn còn một số dân Minh Hương và ngôi cổ tự thờ Đức Quan Thánh.

Thời gian sau người Hoa ở chợ Bà bắt được liên lạc với người Hoa ở Thanh Hà (chung hoàn cảnh, chung nghề nghiệp) và nhất là dòm ngó đến thị tứ Hội An đang bắt đầu phồn thịnh nên Thập lão quyết định dời về Thanh Hà.

Tại Thanh Hà, lúc này đã có một ngôi miếu lớn do các vị tiền bối qua trước tạo lập từ năm 1626 (nhằm vào năm Bính Dần, đời HY TÔNG HIẾU VĂN HOÀNG ĐẾ- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức triều Minh vua Thiên Khải thứ 6) xây dựng giữa ranh giới Cẩm Phô và Cẩm Hà (trên khoảnh đất hơn một mẫu tây sát chùa Viên giác) nên đặt tên là Cẩm Hà Cung. Sau đó thập Lão tân tạo thêm và đổi danh xưng là Cẩm Hải Cung (gồm hai cung Cẩm Hà và Hải Bình) rồi di chuyển xuống Hội An định cư vĩnh viễn.

Sau khi an cư tại Hội An, theo tinh thần “Người đâu,Thần đó” nên thế hệ kế tiếp đã tiến hành huy động tài lực, chọn đất tốt xây dựng lại miếu, di dời tổ đình về Hội An. Lần này miếu lấy tên là Cẩm Hải Nhị Cung, người dân gọi là chùa Bà Mụ.

Nhìn qua cửa là mái nhà trù (phía đường Phan Chu Trinh)
 Ảnh của photo Vĩnh Tân 1930 chụp từ ngoài nhìn vào chùa.

Chùa Bà Mụ gồm một ngôi nhà ba gian làm Điện, phía trước điện có một nhà bia, hai bên nhà bia là hai nhà trù, cách một khoảng sân rộng là tam quan chùa.

Trong điện, gian chính giữa là HẢI BÌNH CUNG thờ Đức Thiên Hậu Thánh Mẫu, phụ thờ 12 bà mụ, phía trước có thờ tượng hai vị thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Gian trái là CẨM HÀ CUNG thờ Đức Bảo Sanh Đại Đế (Người Quảng gọi là ông Chú, trong nam gọi là ông Bảo) cùng 36 vị tôn thần, tượng các vị này xếp thành hai hàng. Gian còn lại thờ Thổ Kỳ (土 圻) và Tổ đình Minh Hương.

Năm Tự Đức Mậu Thân 1848, tú tài khoa Hương Trương Chí Thi tiên sinh làm lại cổng tam quan trước chùa, tăng cao trụ biểu, hai cửa ra vào đối nhau rất nguy nga, giữa có vòng mặt trăng rộng sáng chói.
 Trụ biểu tam quan chụp từ trong chùa nhìn ra
Về Đức Bảo Sanh Đại Đế, Tương truyền, thần sinh ở Phúc Kiến, thời nhà Tùy, Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Đến tuổi thanh niên, ngài kết thân với Lâm Ngạc Nương (người sau này được sắc phong là Thiên Hậu nương nương) nhưng không lập gia đình mà tiêu dao đây đó, bốc thuốc cứu người. Danh tiếng ngài lẫy lừng từ Hoa Hạ xuống Giang Nam.
Hôm, nghe tin thân mẫu lâm bệnh, ngài vội vã về quê nhưng không kịp cứu mẹ già. Từ đó, ngài buồn bã, xếp tất cả sách vở vào hòm khóa lại, còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà, lên núi ở ẩn. Một hôm, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, động lòng tìm đến, mới hay người vợ của một ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài ra tay cứu giúp. Người ngư phủ hôm sau ra sông Hoàng Hà câu được con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân. Nhận quà tạ ơn, ngài mang cá ra sông phóng sinh nhưng lạ thay cá không chịu bơi đi. Ngài đưa tay xuống nước thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài đã quẳng đi. Biết là số trời đã định, ngài trở về lấy chiếc hòm cũ và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngài thác đi người đời tôn là Đức Bảo sanh Đại đế.
Thần Bảo sanh đại đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo. Khi di cư sang các nước Đông Nam Á, người Hoa mang theo vị thần Bảo sanh của mình và được cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ. 

Lối ra vào tam quan đã bị nhà dân bịt kín (phía lùm cây).

Còn 36 vị tôn thần nguyên là 36 vị thiên tướng (36 ngôi thiên cương) theo hộ trì Đức Bảo Sanh Đại Đế kèm theo “Phục ma Bắc đẩu thất tinh kiếm”. Thời Pháp trở lại, họ đã phá hỏng tất cả các tượng này.
Từ những năm 30, hai nhà trù là nơi cư ngụ của hai gia đình của hai người giữ từ (vì chùa quá rộng). Người giữ từ mé ngoài phía đường Phan Chu trinh là bà Hai Yên, bán bánh bèo bên hông chùa. Người giữ từ mé trong là ông Ngô Soạn, tục gọi là ông Xâu Soạn. Ông Ngô Tỵ, năm nay 83 tuổi (tuổi Tỵ) là con trai của ông Ngô Soạn kể:

Ông Ngô Tỵ, hiện giữ từ chùa Quảng Triệu

"Tía tôi được làng xã tin, sức đi thu thuế thân nộp cho Pháp. Thời đó tía tôi đi bộ lên Chương-Phô (cống ông Đá) rồi về Trung-Gian-thượng (đường Phan Bội Châu đến cống vào nhà ông Cữu Nhung), xuống Trung-Gian-hạ (Thuận Tình), qua Cẩm Nam (tam ấp) rồi ra Trường Lệ, nên việc quét dọn, thắp hương, khấn vái tôi thuộc nằm lòng. Sau đó, tôi thay tía làm Từ cho đến khi bàn giao, nhượng cuộc đất này cho giáo hội Phật giáo Hội An (Tỉnh giáo hội Phật giáo Quảng Nam) làm trường trung học Bồ Đề. Còn tấm bia bi ký của chùa xin thỉnh đem gửi về chùa Phật Minh Hương cạnh chùa Ông. Chùa thì không còn nữa nhưng công lớn dựng chùa phải ghi ân của Tam-Gia, Bát Tộc." (Tam Gia: Tẩy Quốc Tường, Ngô Đình Khoan và Trương Hoành Cơ ; Lục Tánh Minh Hương: NGỤY, TRANG, NGÔ, THIỆU, HỨA, NGŨ. Trong chín họ này có trùng họ Ngô gọi là bát tộc). 
Bi ký chùa Bà Mụ khắc ghi năm 1922
(Ngày tốt, tháng 3 nhuận, Khải Định năm thứ 7)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét