Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

NHÀ THỜ ĐẠO HỘI AN
Lịch sử nói chung và Hội An nói riêng cứ lặng lẽ chồng lên hàng hàng lớp lớp tồn nghi cho hậu thế và cho cả mai sau.
Có thắc mắc tất có tìm tòi mới thấy rằng những bậc tiền nhân khi đến đất này khai khẩn hay khuếch trương còn lưu lại bao điều cao quý và đôn hậu.
Từ bao đời, Hội An đã thu hút người người chọn nơi này làm ăn sinh sống. Và không ngoại lệ, những Nhà Truyền Giáo cũng đã đến đây.
Kitô giáo là từ viết tắt của tên Người sáng lập ra tôn giáo này. Về sau được tách thành ba “nhánh“ chính:
Công giáo (Giatô giáo, Thiên Chúa giáo, Catholicos)
Chính Thống giáo (Orthodox) tách ra từ năm 1054
Tin Lành giáo (Évangelism) tách từ thế kỷ XVI
Ở Việt Nam từ thế kỷ XVI - XVIII chỉ có Công giáo truyền bá, nên ở Hội An, Kitô giáo được người dân hiểu là Công giáo, Giatô giáo hay Thiên Chúa giáo.

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo Hội An

Căn cứ theo tiểu sử sơ lược của linh mục FRANCESCO BUZOMI và linh mục PINA thì nhà thờ đạo Công giáo Hội An được xây dựng vào năm 1616:
“Ngài FRANCESCO BUZOMI là giáo sĩ người Napoli (Ý) sinh năm 1576, qua đời năm 1639.
Năm 1608 cha được phái tới Macao và khi đến cửa Hàn, cha vừa đúng 39 tuổi (1615). Tại đây cha được cấp phép cất một nhà nguyện khiêm tốn. Mùa Phục sinh đầu tiên có một số tín hữu Nhật kiều, cha rửa tội cho 10 người địa phương, những bông hoa đầu mùa của Giáo hội Đàng Trong.
Sau một năm số tín hữu tăng lên 300.
Được phép ông hoàng Kỳ (con cả chúa Sãi), cha dựng thêm ngôi nhà thờ mới ở KẺ CHIÊM, Quảng nam dinh, và một ngôi nhà thờ khác ở thủ phủ Quảng Nam. Sau đó vào QUY NHƠN, cha lập cơ sở NƯỚC MẶN.“
Tại nhà nguyện Thanh chiêm này linh mục Alexandre de Rhodes (A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ) khởi thảo tự điển An Nam-Bồ Đào Nha-La tinh (thường gọi là Tự điển Việt-Bồ-La). Cuốn này được in tại Roma năm 1651.
“Sinh năm 1585, người Bồ, vào dòng Tên, được gửi vào Đàng Trong năm 1617. Ngài là vị linh mục đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Lúc đầu cha Pina ngụ tại Hội An, sang năm 1619 dời vào NƯỚC MẶN.
Trong thư bằng Bồ ngữ viết tại tỉnh Chàm (Quảng Nam) ngày 5-7-1625 gửi cha Bề trên cả Dòng Tên Vitelleschi ở Rooma, cha Gabriel de Mattos có viết:” Hiện nay chúng tôi có ba cơ sở mà hai trong số này (Hội An và Nước Mặn) đã được hoàn thành theo Giáo luật; còn cơ sở mà chúng tôi đang tạm trú lúc này có ba linh mục cư ngụ. Linh mục Francesco di Pina biết tiếng việt khá, làm bề trên và giáo sư dạy tiếng Việt. Các linh mục Đắc Lộ cùng Antonio de Fortoo là thuộc viên và học viên”. (Trích tài liệu tại nhà thờ Thanh Chiêm)
Như vậy, sau khi dừng chân ở Đà Nẵng lập ngôi nhà nguyện đơn sơ (nay không còn dấu tích) thì thánh đường Công giáo đầu tiên của Đàng Trong được hình thành ở Thanh Triêm (sau này gọi là Phú Chiêm) rồi đến giáo đường Hội An, sau đó đến nhà thờ Nước Mặn (Quy Nhơn).
Nội thất giáo đường Hội An


Giáo sĩ Alexandre de Rhodes từng đến và đi khỏi Hội An ít nhất 5 lần. Lần đầu tiên vào năm 1624 và lần cuối cùng, ngày 17/6/1645, bị dẫn về Hội An giam giữ 22 ngày để chờ tàu. Lệnh trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong ký ngày 9/6/1645. (theo Công giáo và dân tộc số 798)

Trích thêm về " ông tổ chữ quốc ngữ", Tự điển Việt-Bồ-La và "Phép giảng tám ngày", Giáo sĩ A.de.Rhodes viết:

"Tuy nhiên trong công cuộc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần 12 năm, thời gian mà tôi lưu tại hai xứ Cô-sinh (Đàng Trong) và Đông kinh (Đàng Ngoài), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina, người Bồ, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không cần thông ngôn. Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác
cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ôngđều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tự điển Việt-Bồ), ông sau bằng tiếng Bồ-đào (tự điển Bồ-Việt), nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn kính..."
(Bản dịch Từ điển Việt-Bồ-La của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính)

"Ước gì các Ngài trở nên những người truyền bá nhiều phương ngữ để không những các nước lân cận và quen biết từ xưa được nghe những sự kỳ diệu của THIÊN CHÚA mà cả mọi miền dưới bầu trời và những vương quốc rất xa xôi ở cực đông từ nhiều thế kỷ qua chưa được nghe, thì bây giờ những nước ấy cũng phải được nghe và rao truyền danh CHÚA huyền diệu biết bao trên khắp trái đất (...) Mà lại để Lời THIÊN CHÚA thâm nhập dễ dàng hơn tới tận cùng hoàn cầu, nơi người Đông-kinh và Cô-sinh, tức là tất cả mọi người An Nam đang chiếm cư, thì bây giờ lòng đại lượng bao la của quý vị cũng truyền lệnh thực hiện quyển từ điển của dân tộc An Nam, một quyển từ điển giúp ích cho những người làm công tác Tông đồ được chỉ định cho vườn nho này của CHÚA, hầu họ hiểu biết phương ngữ xa lạ của người An Nam, tức là để những mầu nhiệm THIÊN CHÚA được giải bày cho người An Nam, đồng thời cũng để người An Nam vừa làm quen với chính đức tin Roma và Tông đồ, vừa làm quen với phương ngữ Roma và La-tinh. Ai mà không thấy việc đó trong tương lai có lợi là chừng nào cho công cuộc truyền bá đức tin của Chúa Ki-tô được rộng rãi và chắc chắn hơn"
(Trích như trên)

Vậy "Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong những ông tổ của chữ quốc ngữ"
(Linh mục Thanh Lãng)
Còn mục đích của A. de Rhodes đã được chính Giáo sĩ xác định: Ông làm sách bằng chữ quốc ngữ là để... phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo.

Trở lại việc các Giáo sĩ truyền bá đạo Ki-tô ở Hội An.
Ngày 18/1/1615 Giáo sĩ Ý Francisco Buzomi cùng với Giáo sĩ Bồ Diego Carvalho và hai Giáo sĩ Nhật là Joseph và Paulo đến Hội An ở lại một thời gian khá lâu. Từ năm 1615 đến 1625 có hơn 20 Giáo sĩ Dòng Tên (Jésuite) đến Hội An. Ông F.Buzomi là người khai sáng Giáo đoàn Thiên Chúa giáo xứ Nam, lãnh đạo các hoạt động truyền giáo ở Đàng Trong và là Chánh xứ nhà thờ Hội An trong 25 năm liền. Cũng phải kể đến Giáo sĩ Bồ Francisco de Pina được cử đến Thanh Chiêm và Hội An từ 1617 đến 1625. Giáo sĩ Ý Christoforo Borri từ 1618 đến 1621.Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (5 lần) từ 1624 đến 1645. Ngoài ra còn có các linh mục Nhật như Joseph từ 1615 đến 1639, Linh mục Pietro Marques từ 1618 đến 1627 và từ 1655 đến 1663, Linh mục Romao Nishi từ 1622 đến 1640, Linh mục Mathias Machida trong năm 1625, Linh mục Miguel Machi từ 1626 đến 1628 và Linh mục Paulo tên thật là Saitoh Kozaemon từ năm 1665.

Cũng nên kể thêm, theo ông Phan Du trong "Quảng Nam qua các thời đại" do Cổ học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1974,
Vào giữa thế kỷ XVIII, ở Hội An có hai giáo đường Thiên Chúa giáo, một của các cha Dòng Tên người Bồ Đào Nha, một của các cha Dòng Franciscains người Tây Ban Nha.

Tại thôn 2 Cẩm Nam Hội An trước năm 1969 còn đó một Giáo đường hoang phế bên cạnh một gốc cổ thụ hùng vĩ, xung quanh là một xóm Đạo (Người Cẩm Nam bây giờ còn nhớ địa danh "Xóm Đạo" này). Phía sau liền kề khu vực nhà nguyện là bến đò dọc đi ngược về Cẩm Kim.
Khoảng năm 1972 đến tìm lại thì ngôi giáo đường này đã bị nước sông xâm thực phá hủy hoàn toàn. Sau này người ta làm lại một chiếc cầu chữ T tại nơi này làm đường vận chuyển hàng cho các tàu đi biển.

Cách con tàu về phía trái khoảng 50 mét- phía ngoài sông khoảng 300 mét, ngày xưa một ngôi giáo đường đã được xây dựng tại đây từ lúc nào không biết.

ĐI PHÚ CHIÊM THĂM NHÀ THỜ PHƯỚC KIỀU

Từ bến xe cũ Hội An đi thẳng về Lai Nghi
hướng ra quốc lộ số 1


Hàng quán chợ Lai Nghi ngày càng ít lại, cư dân ở đây bỏ đi nơi khác làm ăn khá nhiều, nhất là thanh niên nam nữ, xuôi nam tìm cơ hội mới.

Qua khỏi Lai Nghi là... "Cây số 6".
Đoạn đường một kilomet này là "Đại lộ kinh hoàng" cho những ai từ quá 5 giờ chiều phải qua đây. Xa xa đâu đó từ trong bụi tre hai bên ruộng lúa tiếng "tất cù" bắn chim, bắn sẻ...vọng ra.
Dĩ nhiên đó là chuyện của những ngày chiến tranh chưa chấm dứt.

Rồi thêm vài bước nữa thôi, chư huynh hãy quay lưng nhìn lại bên mép đường:

Còn bảy cây số nữa là đến Hội An!!

Rồi lại nhìn phía trước: Xôn xao chợ cá Cẩm Hà.


Từ khi chính quyền di dời một phần dân cư làng gốm Thanh Hà lên những vùng cao hơn (khu Thủy Tinh) để tránh lủ lụt đe dọa hằng năm, chợ cá Cẩm Hà trở nên phồn thịnh.
Đây là nơi trung chuyển rau, trái - nhất là cá bán sỉ - ra Đà Nẵng.

Đi thêm đoạn nữa trước khi đến khúc cua vào thị trấn Vĩnh Điện là cống Ông Đá.
Xưa là cống, nay là cầu.
Qua cống Ông đá, bên trái là con đường nhỏ đi Phú Chiêm.
Đi loanh quanh khoảng 5 cây số lúc đường nhựa lúc đường bê tông xi măng đến cuối con đường đất nện trước khi đâm ra quốc lộ là... chợ Tổng.


Địa điểm phía bên trái "bande-role" màu xanh dương đậm một thời là chợ Tổng của phủ Điện Bàn. Đây cũng là nơi cùng với chợ Bà, chợ Được làm nơi lánh nạn cho dân Hội An khi tản cư trong thời kỳ chiến tranh Pháp thuộc.

Cách chợ khoảng 800 mét về hướng bắc nằm trong hương lộ phía đông là nhà thờ Công Giáo xưa nhất Đàng Trong.

Giáo đường sau nhiều lần trùng tu tôn tạo.


Những năm 1968 đến 1975, nhà thờ không hoạt động. Tất cả bàn ghế chiên trống đem gửi cho nhà thờ Vĩnh Điện. Hiện tại ,nhà nguyện cũng không có Cha xứ. Mỗi tuần 3 lần các vị linh mục ở Hội An lên đây làm lễ.






Hình ảnh tại nhà thờ Phú Chiêm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét