Ở đâu và thời nào bao giờ cũng có những kẻ chết đi nhưng không người thừa nhận hoặc không một ai biết với nhiều lý do. Có thể họ là kẻ vô gia cư, không họ hàng thân thích. Có thể họ gục ngã chốn rừng cao núi thẳm hay giữa nơi trùng trùng con nước.
Ảm đạm sơn đầu- ta ảm đạm/ Linh đinh dương lý- thán linh đinh
(Ảm đạm non đầu- Ôi ảm đạm/ Lênh đênh cuối biển- thán lênh đênh)
Cũng có thể họ vẫn có gia đình, còn bà con, gốc tích nhưng ngày xưa, khi phương tiện giao thông còn hạn chế, thông tin chủ yếu là truyền miệng, một kẻ ăn mày, một thợ thuyền lưu lạc thình lình gặp tai ương bất trắc hay tật bệnh bất ngờ, thác đi, không kiếm tìm liên lạc được với thân nhân, vô tình họ trở thành những âm linh cô độc.
Đó là chưa kể trường hợp của những chiến sỹ trận vong. Khi trận chiến còn đang ác liệt, ưu tiên trước hết là tải thương, sau đó cố gắng lắm mới mang được xác đồng đội rời khỏi sa trường thì cách nào lại không bỏ sót?!
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi./ (Xưa nay chinh chiến mấy ai về!)
Nhưng lòng người vẫn đầy thương cảm cho kẻ bất hạnh cô đơn. Cộng đồng cư dân xứ này vẫn gìn giữ truyền thừa tính nhân văn truyền thống nên ngày xưa người Hội An ngoài việc lập đình, chùa để thờ Phật, Thánh, Thần mong cầu duyên, trợ phúc, cũng không quên lập miếu vọng, nhang khói cho những cô hồn vất vưỡng còn chưa hóa kiếp, gọi là miếu âm hồn.
Một gian thờ trong miếu âm hồn Tín Nghĩa
Để phụng thờ chư vị âm linh có thể:
Hoặc dựng riêng một ngôi miếu để thờ như:
Phường Minh An có Tín Nghĩa Từ (số 3 đường Nguyễn Huệ, khối An Định), miếu âm hồn Tín Thiện (thường gọi là miếu âm hồn trong kiệt Âm Hồn, số 76/8 Trần Phú, khối An Thái).
Phường Thanh Hà có miếu âm linh Bộc Thủy, miếu âm linh Nam Diêu
Xã Cẩm Nam có miếu cô hồn Hà Trung...
Miếu HÀ TRUNG ở thôn hai Cẩm Nam
Hoặc thờ chung trong nội thất đình miếu thần làng. Bàn thờ cô hồn được trí một gian riêng, bài vị có hai chữ ÂM LINH để định danh như ở đình Đế Võng Cẩm Châu, miếu NGŨ HÀNH khối An Định Minh Hương.
Hoặc được định vị trong nội viên miếu thần làng. Bàn thờ âm linh được trí ở mặt sau bình phong, hướng đối diện với chính điện đình miếu.
Ngoài ra, nơi thiền môn cửa Phật, bàn thờ cô hồn cũng được thiết riêng nơi hiên phải của chùa có tượng Tiêu Diện Lực sĩ Diệm Khẩu Quỹ Vương với nhiệm vụ chưởng quản cô hồn.
Trong các buổi công phu kinh chiều đều có cúng thí thực.
Theo quan niệm ngàn xưa để lại: “Sinh hà tử thị” (sống sao, chết vậy) và “Sinh ký, tử quy” (sống gửi, thác về), hằng năm trong các ngày tư tết, giổ chạp đình chùa miếu tự cũng như ở tư gia đều có mâm cúng cô hồn như để an ủi chia xẻ nỗi cô đơn của người bất hạnh.
Anh Vương Ngọc Long ngày mới định cư thiếu thốn trăm bề (như ảnh kể) cũng không quên vọng cúng những vong linh lưu lạc với cả tấm lòng:
Thắp lửa Từ Bi, xin hỉ xả
Cúng đấng cô hồn có ghé qua
Xin đừng thất vọng nhìn mâm quả
Đây! tấm lòng ta - thế... lễ quà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét