Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

CHÙA ÔNG

Cùng một lần với QUẢNG AN MIẾU, còn gọi là Miếu Âm Hồn, đầu đường kiệt giếng Bá Lễ (đã bị một người đi bắc về đập phá rồi lấy luôn khoảng sân trước miếu làm nhà) và KHỔNG TỬ MIẾU (hồi đó mái còn lợp tranh), chùa Ông (QUAN CÔNG MIẾU) được xây dựng từ năm 1653, do vị trưởng lão (tiền hiền) Minh Hương tên Khổng Thiên Như (mộ hiện còn trong khuôn viên chùa Tỉnh hội) chủ trì tạo lập.

"Chùa Ông linh lắm!!" như những người già thường nhắc. Chuyện Tây đen leo lên ngựa thờ Xích Thố trong chùa bị té hộc máu. Hay mới đây, sau năm 1976 "con nhà ai" nghe lời người ta vô chùa đập phá sau bị điên rồi chết trẻ.

Người Tàu dương danh cho bốn vị thánh tượng trưng cho bốn Đức: TRUNG; HIẾU; TIẾT; NGHĨA
- TRUNG : NHẠC PHI
- HIẾU : MẠNH TỬ
- TIẾT : TÔ VŨ
- NGHĨA : QUAN VÂN TRƯỜNG

Mời xem đoạn trích dưới đây về Nhạc Phi
Cuối thời Bắc Tống, nước Liêu xâm lấn xuống phía Nam, người dân Trung Quốc phải chịu giày xéo dưới gót giày xâm lược của quân Liêu. Từ nhỏ Nhạc Phi đã có lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc Hồ, luôn nghĩ đến việc báo quốc nên lập chí tòng quân. Năm Tuyên Hoà thứ 4 (1122), Nhạc Phi lúc đó 19 tuổi xin đầu quân, được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng, sau đó tham gia vào liên quân Tống - Kim diệt Liêu, tham gia chiến dịch Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Không bao lâu, do phải chịu tang cha, nên thoái ngũ vễ quê để giữ đạo hiếu. Năm 1125, nước Liêu diệt vong, quân Kim tràn vào quan ải. Bắc Tống lúc bấy giờ đứng trước cục diện nguy khốn, người Kim vì mới nổi lên nên còn tỏ ra hung ác hơn cả người Liêu, thừa thế diệt Liêu, rầm rộ xâm lăng Trung Quốc. Quân Kim dùng thiết kỵ nên xâm chiếm Trung Nguyên rất nhanh. Lãnh thổ vương triều Bắc Tống bị giày xéo, Nhạc Phi tận mắt nhìn thấy nỗi thống khổ của người dân, hết sức giận dữ, vào năm Tĩnh Khang đầu tiên (1126) lại ra tòng quân. Ngày lên đường, mẹ ông là Diệu thị đã xăm lên ông bốn chữ lớn "tận trung báo quốc" . Đây là những điều ghi tâm khắc cốt, trọn đời ông.
Năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), quân Kim lại ồ ạt xâm chiếm xuống phía Nam, công phá vây hãm Củng, Bột, tướng Lưu Kỳ phải cấp báo, Nhạc Phi lại phụng mệnh tiếp viện. Nhạc Phi lệnh cho Lương Hưng thống lĩnh quân kỵ lén vượt Hoang Hà quấy phá hậu phương quân Kim, còn mình thì dẫn quân chủ lực trực chỉ Trung Nguyên, liên tiếp thu phục Yển Thành (nay thuộc tỉnh Hà Nam), Trịnh Châu, Lạc Dương... Nhạc Phi đã đại phá đội kỵ binh tinh nhuệ của Ngột Truật tại Yển Thành, lại đánh bại quân chủ lực của Kim ở Chu Tiên trấn (nằm ở phía tây nam huyện Khai Phong tỉnh Hà Nam). Ngột Truật cho quân rút về Khai Phong không dám nghênh chiến, quân Tống khí thế hừng hực. Nhưng một lần nữa triều đình lại đem thắng lợi của Nhạc Phi làm vốn xin hoà với người Kim, trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Trước đó, Tần Cối đã bí mật lệnh cho các tướng lĩnh rút lui, để lại một mình Nhạc Phi cùng quân của ông thâm nhập trận địa.
... ... ...
Nhạc Phi bị ép vào thế khó đã ngửa mặt than: "Công lao 10 năm, đã bị phá hỏng trong một buổi!". Lần ra quân này, không những khiến cho giấc mộng "tận trung báo quốc", "thu thập lại giang sơn cũ" của Nhạc Phi trở nên hão huyền mà lại còn gặp phải vận rủi. Người Kim vốn hận Nhạc Phi đến tận xương tuỷ, đã cấu kết với Tần Cối, bắt triều đình nhà Tống phải giết hại Nhạc Phi để làm điều kiện hoà nghị. Tống Cao Tông đã điều Nhạc Phi đi làm Khu mật phó sứ để tước bỏ hết binh quyền của ông. Ngày 25 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị gian thần Tần Cối thuốc chết tại đình Phong Ba thuộc Đại lý tự Lâm An. Giai thoại kể rằng, Nguyên soái Hàn Thế Trung đã chất vấn Tần Cối: xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu? Tần Cối trả lời: Không có, nhưng cũng không cần có. 3 chữ "không cần có" (mạc tu hữu) từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo.
Vậy mà mấy "ông nội, ông ngoại" ở Hội An viết (in) "đủ thứ anh hùng" trong chùa Ông. Về mà xem!!!

Người Hội An trọng nghĩa khí của ông cũng có... mà sợ uy Ông cũng có, nên ngày trước, đến ngày vía Ông rất đông người đến dâng hương. Chưa kể rất nhiều nhà lập trang thờ Ông tại gia và bao giờ cũng có hai chữ CHÁNH KHÍ treo phía trên.

Nhưng ước vọng là một chuyện còn gồng gánh cuộc đời là chuyện khác cho nên như Trần Huyền Trân viết:
Xót cội đời nghèo hương chẳng đậu
Mỏi mòn chánh khí... lạc loài thơ.
Còn nhớ đến rằm tháng tám, Tết Trung thu, các đoàn Thiên Cẩu trước khi đi "làm ăn" đều đến trước chùa múa cho Ông coi, tiếp đó ra tỉnh đường múa cho Đại tá tỉnh trưởng coi rồi mới đi quanh "thành phố" kiếm chát.
Khoảng sân trống bên kia đường trước đây là "trụ sở Nghiệp Đoàn Khuân Vác Hội An", nơi có đội Thiên Cẩu râu bạc nổi tiếng. (chưa kể những pha CHỔNG XE BÒ rùng rợn hơn xinê).
Hội An có hai con đường Trần Quý Cáp, đúng ra là một, tại cái chợ chen vô giữa.
Đường phía bên ông Hồ Văn Ninh thì giữ nguyên. Đường phía bên chùa Ông thì được đổi tên khác, không phải do chính quyền đổi mà do dân đổi. Tên mới là đường Lê Trọng Nguyễn - lý do là bị... nắng chiều.
Người "của muôn năm cũ" vẫn còn trầm tư trước cổng thềm chùa


VÀ... DỪNG BƯỚC GIANG HỒ
Theo lời ông ấp trưởng Đỗ Kỳ Yên trước đây: Ông ta tên Phan Văn Vàng lưu lạc từ miền lục tỉnh, theo đoàn xiếc Nguyễn Đại Bàng đến diễn tại Hội An.
Rồi đất lành... rồi chim đậu, ông làm nghề thầy bói trước chùa Ông, cưới vợ và dừng bước giang hồ cho đến ngày bỏ mình trên đất khách.
Đám thanh niên và lũ con nít ngày ấy hay ghẹo ông:
Phi Long Vàng đi trên dây thép - C... Phi Long Vàng nửa đỏ, nửa... đen.
Mà ông đi trên dây thép thiệt. Trong bức hình chụp để nơi ông coi bói, nếu nhìn kỹ thì thấy ông mang guốc, tay cầm cây gậy có cái bát úp ngược trên đầu gậy đang tòng teng trên sợi dây.
Ông thường mặc bộ đồ sa tanh đen (hay Lãnh Mỹ-Á??) mang guốc xà-lang, đầu đội mũ nĩ. Nước da ông đen sì gợn trên khuôn mặt những vết chân chim đậm nét.
Nơi thằng bé ngồi là chỗ ông Phi Long Vàng ngồi ngày xưa
Tuy có khuôn mặt "dễ sợ" nhưng đám con nít rất "gần" ông.
Một lần ngồi coi ông xạo bài một mình, thình lình:
"Đi chỗ khác chơi, mồi đến!!"
Ổng nói xí lô - xí là một chặp với khách rồi trưng ra bốn cái bản con loại cho con nít tập viết bằng phấn nhưng úp lại và bảo ông khách chọn một tấm bản rồi lật lại và bắt đầu "tán":
Bốn mùa mà bắt được chữ XUÂN thì lo gì nữa...
Và cứ tiếp tục cho đến khi khách trao tiền quẻ xong, dọn "đồ nghề"
vô tụi tui mới phát hiện cả bốn tấm bản đều viết chữ... XUÂN!!!





Quay lại sấp nhỏ:"Trông chừng đồ cho ông" (mặc dù đã bỏ vô rương khóa kỹ) rồi đi lên hướng chùa cầu. Sau này mới biết,


Có tiền "thầy" đi hút thuốc phiện.
Phi Long Vàng ơi, bây giờ tôi già như ông ngày đó, mới thấy ông là
       Ông: Con người chịu chơi!!








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét