Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.

Tam Quan chùa LONG TUYỀN


Chánh điện chùa CÂY CAU (Vạn Đức)


Cổng chùa CHÚC THÁNH cũ và mới


Người Hoa ở Hội An cũng lập một ngôi chùa Phật gọi là MINH HƯƠNG PHẬT TỰ, trước có tên là CHIÊN ĐÀN TỰ, nghe nói là chùa có những buổi thuyết pháp đầu tiên ở Hội An.

Toàn cảnh khuôn viên TÒA THÁNH TÂY NINH. Cổng tòa không bao giờ mở từ hơn ba mươi mấy năm nay, ảnh chụp qua lỗ hổng tường rào


Ngó về quê nhà, cửa ngõ đìu hiu
Trích: Quán Như
Phần lớn các chúa Nguyễn là những người sùng đạo Phật. Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn Nhất Đái, đã hỗ trợ việc phát triển Phật Giáo và xây cất chùa chiền ở phía Nam sông Gianh. Điều này cũng không có gì lạ vì các nhà Nho ‘tiến vi sư, thối vi tăng’. Thời loạn lạc, phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài, các võ tướng đóng vai trò quan trọng hơn, các nhà nho không còn tỵ hiềm với các vị sư nữa. Các nhà nho vào chùa, ngồi xuống tương đắc uống một chung trà với sư trụ trì và ngôi chùa tượng trưng cho giá trị tâm linh của đất nước hay nói nôm na, cái Thiện của làng.
Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, một tay cầm súng và tay kia cầm đuốc ‘khai hóa’, triều đình và dân chúng phải đối đầu với hai mặt trận cùng một lúc: quân sự và văn hoá. Các nhà nho đã làm hết sức họ, từ ‘khẳng khái cần vương’ như vua Duy tân, Tôn Thất Thuyết, Phan Dình Phùng đền ‘thung dung tựu nghĩa’, như Hoàng Diệu và Phan Thanh Giản. Khi thấy ‘cái học nhà nho đã hỏng rồi’, một mặt nhà nho phải duy tân như Phan Chu Trinh, mặt khác bạo động một cách vô vọng, không ‘thành công thì thành nhân’ như Phan Bội Châu & Nguyễn Thái Học. Về mặt trận tư tưởng, các nhà nho, các nhà tân học cấp tiến hay cải lương, cho đến cả các trí thức đệ tứ, như Phan Văn Hùm, đều dồn nổ lực ủng hộ tư tưởng truyền thống còn sót lại để đối đầu với chủ trương cải đạo tập thể của thực dân Pháp. Có nhiều nguyên nhân khiến Phật Giáo phải đứng đầu gió trong nhiệm vụ đối đầu trên mặt trận tư tưởng và hai lý do quan trọng nhất là sự sụp đổ của nho giáo tạo ra hố thẳm văn hóa và sự gắn bó của Phật giáo đối với mệnh nước nổi trôi kể từ khi lập quốc.
Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 trở thánh đồng hội đồng thuyền. Nho giáo ở Trung Quốc là nạn nhân của Liên Minh Thất Quốc, trở thanh một nạn nhân đáng thương như nhân vật A Q của Lỗ Tấn. Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi cũng hành động vô vọng như các nho gia Việt Nam. Chủ nghĩa Tam Dân nửa nạc nửa mỡ như thuyết Dân Quyền của Phan Chu Trinh. Bấy giờ trí thức Trung Quốc cũng như trí thức Việt Nam sực tỉnh: Phật giáo đời Đường mà các Nho gia bấy lâu nay kèn cựa tranh dành ảnh hưởng có thể là con đê ngăn chặn các tôn giáo lấp ló sau chánh sách ngoai giao bằng tàu chiến và đó là chưa kể con cọp Mác Xít lập ló ở miền Đông. Thái Hư Đại Sư lên tiêng kêu gọi chấn hưng Phật Giáo: Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản! Lịch sử Trung Quốc cho thấy những ngưới phá hoại chương trình chấn hưng không ai khác hơn là các nhà sư hủ hoá, đám thấy cúng chuyên môn ma chay và cầu đảo, sợ mất quyền lợi. Lời kêu gọi của Thái Hư được giới nho gia và tăng già Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Chính các nhà nho cải cách phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, như Hùynh Thúc Kháng, Phan Khôi và cả Phan Chu Trinh. Nhóm đệ tử trong Nam của Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu cũng đồng tình việc chấn hưng Phật giáo như giá trị tâm linh của dân tộc để chống lại sự tấn công ào ạt của văn hóa phương Tây. Một số các nhà Mác Xit chính thống, như Hải Triều, vẫn còn xem Phật giáo là một triết lý trốn đời kiểu Hồn Bướm Mơ Tiên.
Ở đâu cũng vậy, có những người bảo hoàng hơn vua, Mác xít hơn Mác xít.
Trong khi phái Nguyên Thiều phát triển mạnh ở Huế và miền trung, các đồ đệ của Liễu Quán vào tận các tỉnh miền Nam như Biên Hoà, Tây Ninh và Hà Tiên. Vào miền Nam, Phật giáo không còn giữ tánh ‘chánh thống’ của Phật giáo, ‘nhập thế’ hơn và phối hợp với tâm chất mộc mạc của người Nam, thành một tôn giáo quyện lẫn với các yếu tố xã hội và chánh trị. Cao Đài miền Đông và nhất là Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây là một biến tướng của Phật Giáo. Sự giản dị tối đa trong nghi lễ, không hình tượng, phái Liễu Quán biến thành Bửu Sơn Kỳ Hương mờ mờ ảo ảo sau bóng Phật Thầy Tây An. Hồ Huệ Tâm Tài, ái nữ của nhà văn Hồ Hữu Tường, cho thấy dấu tích của dòng Liễu Quán trong Phật Giáo Hòa Hảo.
Tuy vẫn có những Thiền Sư chứng ngộ trong dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán, tuy nhiên vì ‘giáo ngoại biệt truyền’ nên quần chúng chỉ còn theo nghi thức tịnh độ, cầu đảo. Đối với triều đình và chánh phủ Bảo hộ, Phật giáo chỉ còn được dùng như đồ trang điểm cho ông hoàng bà chúa vào các dịp lễ lạc. Quần chúng bình dân sùng bái Phật giáo như hình thức tín ngưỡng, mê tín nhiều hơn chánh tín. Các nghi lễ đầy mê tín trong khói hương nghi ngút khiến Phật giáo không xứng đáng trong vai trò nên tảng tâm linh của đất nước và dân tộc. Hàng ngũ trí thức được đào tạo trong giáo dục mới tại các đại học Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, dù nặng lòng với truyền thống của dân tộc, cũng không còn kỳ vọng vào Phật Giáo, dù mất ngàn năm đã từng ‘che chở hồn dân tộc’.
Thập niên khai sáng
Sở dĩ có lời giới thiệu dài dòng cho văn học thập niên 60 để thấy sự quan trọng của sự bùng vỡ ý thức của thế hệ trí thức trẻ, nhất là trí thức Phật tử, đối với việc tái khám phá những giá trị tinh thần truyển thống mà trước đó họ không muốn nhận, hay nghi ngờ không đủ yếu tố tồn tại trong thời đại duy lý. Một phần vì ‘lương sư’ thì ít, ‘bất lương sư’ thì nhiều, thành phần tăng già ẩn cư trong thâm sơn, tiếp tục thực hành phương pháp ‘tâm truyền tâm’. Tại miền Nam các thầy cúng Cổ Sơn Môn hay Lục Hoà Tăng chi quanh quần trong sinh hoạt ma chay, cầu đảo biến Phật giáo thành tôn giáo của người chết. Một phần khác, các thành phần thân thực dân cố gắng cổ động sứ mệnh giáo rắc văn minh, công kích sở đoản các tam giáo như Nho giáo (Tồng Nho) từ chương, bế quan toả cảng gây tình trạng lạc hậu, xem Phật giáo là tôn giáo ma quỷ.
Thanh niên nghi ngờ giá trị của giá trị truyền thống, một số chưa tiêu hóa triết lý Tây phương, lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, như những cô hồn vất vưỡng thiếu cơ sở tâm linh nương dựa.
Đầu thế kỷ chi cò một trường đại học duy nhất ở Hà Nội. Sau năm 1956 có thêm đại học Huế và đại học Thiên chúa ở Đà Lạt.
Việc chánh phủ Ngô Đình Diệm bị quân nhân lật đổ là một động đất về chánh trị. Năm 1956 các nhóm võ trang như Bình Xuyên và các giáo phái như Cao Đài và Hòa Hảo bị đàn áp nặng nề. Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong trên Cao Miên, Ba Cụt bị xử tử. Chế độ tưởng như vững vàng không có gì lay chuyển được, nhất là có cả 17 ngàn cố vấn quân sự Mỹ đứng sau lưng làm bùa bảo vệ. Nho giáo chỉ còn thu hẹp trong hội Khổng Học, năm khi mười họa mới tổ chức một buổi diễn thuyết.
Việc đàn áp thô bạo các giáo phái ở miền Nam là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho Phật giáo. Trừ ở miền Trung, cái nôi của Phật giáo, sinh hoạt ‘Phật sự’ èo uột. Các bài nghiên cứu trong các tập san của hội Phật Học, Liên Hoa hay Từ Quang ít độc giả. Chế độ đưa một chủ thuyết Nhân Vị thay thế vào. Trừ các tín đồ, it ai biết về lịch sử tín lý của giáo hội Thiên Chúa vào thời trung cổ, như toà án dị giáo Spanish Inquisition. Ít có người biết đến cuộc cách mạng Pháp 1789 đã mở đầu cho thế kỷ khai sáng ở Âu Châu và sự ‘nổi loạn’ của Tin Lành đối với giáo quyền La Mã. Không mấy ai biết đến tên Calvin hay Martin Luther. Nếu vô tình hay cố ý phiêu lưu vào các lãnh vực này, chế độ không ngần ngại dùng những biện pháp mạnh để trừng trị, như trường hợp hai học giả Nguyến Hiến Lê và Thiên Giang đã dám nhắc tới thuyết tiến hóa của Darwin. Ai cũng phải hát ‘xin thượng đế ban phép lành cho người’ dù có tin hay không tin. Giấc mộng cải đạo tập thể mà thực dân Pháp lao tâm khổ trí thực hiện nhưng vẫn thất bại, lần này có viễn tượng thành công.
Thanh niên và trí thức có gia đình theo đạo Phật nhưng phải nói trớ ra là đạo ‘thờ ông bà’ để tránh trở ngại trong sự nghiệp, thấm thía nỗi bơ vơ về mặt tâm linh. Ngó qua trời Tây họ thấy toàn những triết lý hấp dẫn nhưng xa lạ: Plato, Aquinas, Descartes, hiện tượng luận, trí thức luận, hiện sinh, cám ơn các trí thức trẻ đi học ở Pháp về, phần lớn quy tụ ở Đại Học Huế. Tập san Đại Học Huế đã mở cho họ một cánh cửa nhìn ra thế giới tư tưởng bên ngoài.
Ngó về quê nhà, cửa ngõ đìu hiu, nghi ngút khói hương trong lễ nghi cúng bái mà họ biết là họ không thể chấp nhận được trong thời đại khoa học, dù họ biết là tự bản chất, Nho-Lão-Phật đã cung cấp nền tảng tâm linh cho dân tộc, là triết lý nhân bản của hai nền văn hóa cổ nhất của Đông phương. Đó là hố thẵm của tư tưởng mà thanh niên của thập niên 60 và 70 trải qua.
Hành Trình Khai Sáng
Biến cố tháng 11 năm 1963 không phải chỉ là sự thay đổi chánh quyền. Đối với thanh niên có gia đình theo đạo ‘thờ Ông Bà’ đó là cuộc cách mạng văn hóa, bắt đầu thời kỳ khai sáng. Phật giáo không còn là mớ tín ngưỡng lỗi thời và mê tín nữa, mà là một lực lượng quần chúng có khả năng làm sụp đổ một chế độ. Lần đầu tiên trong nhiều năm, các thanh niên tân học hãnh diện xác nhận mình theo đạo Phật. Cách mạng 63 biến Phật Giáo thành một tôn giáo bình đẳng với Thiên Chuá Giáo về mặt luật pháp. Người cùng tử trong kinh Pháp Hoa đã tìm thấy viên ngọc quý trong nhà và các sinh hoạt văn nghệ và tư tưởng trong thập niên này đã cho thấy tại sao dân tộc chọn Phật giáo là nền tảng tâm linh trong mấy ngàn năm qua. Một trong số các nhà sư ‘đợt sóng mới’ đã khởi đầu phong trào giúp đạo Phật hiện đại hóa và đi vào cuộc đời. Đạo Phật không còn là đạo của người chết, ma chay cầu đảo mê tín mà là một triết lý từ bi và trí tuệ cho người sống.
Phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục - Thái Hư


Này chén rượu hồng xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này

NAM MÔ ĐƯƠNG LAI HẠ SANH DI LẶC TÔN PHẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét