Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010


DŨNG Degaulle


Lê Văn Dũng có cái mũi thật cao, người cũng cao, nên vừa vào đệ thất, lại học lớp Pháp văn, nên được nhận là bà con với ông tổng thống Pháp Charles de Gaulle.

Biệt hiệu DŨNG Degaulle có từ đó.

Nhưng mới đây khi vào xóm nơi Dũng ở ngày xưa chụp mấy bô, hỏi, thì không ai biết Dũng de Gaulle là ai. Chợt nhớ biệt hiệu của Dũng ở nhà, nói, người ta mới biết.

Dũng ở nhà còn có tên là Sơn, cũng vì cái mũi cao và nhọn nên được gọi là Sơn mũi dùi. Lâu ngày còn lại... Sơn dùi.

Nhà Dũng ở là căn phía tây, gọi là nhà - tây của đình Văn Chỉ (có chiếc ghế đỏ)

Năm lớp bảy học ở trường (câu lạc bộ) Quế Sơn, trước nhà Hoàng Đắc Trí. Không biết hứng thế nào, ông La Gia Đinh dạy môn âm nhạc lại tổ chức thi đệ nhất lục cá nguyệt bằng "phương pháp tự chọn": Hát hay đờn một bài.

Hồi đó Dũng đã đàn hay lắm nhưng thay vì đàn lại hát bài gì đó mà tôi không nhớ.
Riêng tôi nhớ chắc:
- Thằng Phạm Cường Thịnh hát NHỮNG ĐỒI HOA SIM
- Thằng Hồ Hoàng Chánh đàn bài VIỆT NAM-VIỆT NAM
- Thằng Lê Sơn hát (mà không phải hát) ca khúc (ai nghe cũng phải rợn người):
THIỆP HỒNG BÁO TIN!!
Đầu giờ chiều thi buổi thứ 2 (deuxième), Lê Sơn dọt qua hiệu sách Thống Nhất mua bản nhạc này. Tôi hỏi hắn răn chọn bản chi kỳ cục? hắn trả lời phải chọn bản mới ra để "ảnh" không biết và lên bảng cứ rống thật to là "qua". Hắn được 14 điểm và qua thiệt!!, vì ai cũng biết là thầy bị... điếc.

Sang năm, lớp 8, tôi mua được cây đàn mà không biết đàn. "Mở hàng", Dũng đàn cho tôi nghe bài đầu tiên là HAI NĂM TÌNH LẬN ĐẬN, thơ Nguyễn Tất Nhiên-Phạm Duy phổ nhạc.
Em xưa còn thắt bím
Nuôi dưỡng thêm ngây thơ
Anh xưa còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư

Rồi còn nhiều bài nữa, đôi khi cũng có cải biên như:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại nhớ... con bồ già...
Một năm sau nữa, chưa học xong đệ tứ, Dũng lấy khai sinh cũ tình nguyện nhập ngũ một lần với anh Đinh Văn Nhỏ (không làm lại được khai sinh và không đổi học bạ được). Chừng mười tháng sau, anh Nhỏ về chỉ còn một chân - còn Dũng, thì... không muốn đi lính nữa - Nhưng muộn mất rồi!!

Còn nhớ ngày đó Dũng thương A.K. Như bao cô gái, A.K. lững lờ con cá vàng. Sau ngày miền nam giải tán, Dũng phải đi rừng cưa củi đổi gạo nuôi cả nhà. Một lần duy nhất trúng sốt rét ác tính, không có thuốc thang, mấy ngày sau Dũng ra đi vĩnh viễn. Còn A.K. cũng bỏ Hội An vô Thăng Bình rồi lấy chồng cùng nghề giáo viên, nhà ở thị trấn Hà Lam.

Mộ của Dũng ngày ấy chôn gần đồn công binh, sau này dời đi đâu tôi không biết. Còn nhà ba má Dũng cũng không được ở chỗ cũ, phải dời lên gần Lai Nghi phía sau trại thương phế binh ngày trước. Nghe hàng xóm của Dũng nói lại, rằng trước khi đi cũng được người ta đền bù chút it.


Từ lô cốt công binh này đi xuống cùng phía chừng 500 mét là mộ Lê Văn Dũng ngày xưa

Cùng thời gian này, Dũng đen cũng bỏ xác giữa biển và Trịnh "Tây Hồ" mất tích trong rừng già biên giới Việt-Lào khi tìm đường vượt biên qua đất Thái.
Nén hương lòng sót lại, dâng thắp bạn hiền.

Rứa thôi!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét