Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

VÕ LÂM NGŨ BÁ


Trước năm 1975, nếu Huế là trung tâm văn hóa của miền trung thì, Hội An, nơi có số sách chia trên đầu người cao hơn cả Huế.

Trước khi Hội An có những hiệu sách ra đời, sách được bán chung với mọi loại hàng hóa như là hàng bán "ké".
Bà vợ ông Năm Cầm cà phê kể:
- Mẹ tôi (bà gia) bán đủ thứ, tôi còn nhớ hai tấm giấy lớn viết bằng mực tàu treo hai bên nhà:

GẤM-NHIỄU-SÔ-SA-LƯƠNG-LÃNH-ĐOẠN
SÁCH-VỞ-BÚT-MỰC-TRUYỆN-THƠ-TUỒNG

Vài năm sau, để đáp ứng cho chiến lược "Chiến tranh tư tưởng", chính quyền cho phép lập HIỆP HỘI BÌNH DÂN, văn phòng đóng tại nhà ông Kỳ "cụt" đối diện với NGUYÊN THẮNG

Căn nhà này từng trưng bảng "Hiệp-Hội-Bình-Dân", nơi có TỦ SÁCH BÌNH DÂN đầu tiên ở Hội An

Người trông coi tủ sách bình dân là ông Trịnh Đình Tiếu (sau này là đại tá tỉnh trưởng Ban Mê Thuột).

Rồi càng ngày người dân Hội An "biết" chữ nhiều hơn, nhu cầu đọc sách, truyện tăng lên thế là... trong chợ Hội An mọc lên một sạp sách báo. Chủ sạp là ông Tân có nghề tay trái là trọng tài đá banh.

Các vị cao niên thường nhắc lại giai thoại ông Tân bán sách bị lính Bảo An dùng roi đánh ngay trong chợ, lý do rất đơn giản là chiều hôm trước ông bắt đội banh Bảo An thua trận!!. Mất mặt lính "Tây".

Cổng đồn lính Bảo An, trước là Nghĩa Dũng Đoàn, sau là Biệt kích Tây Hồ,
cuối cùng: Địa Phương Quân

Thời gian sau, Ông Tiếu không trông coi tủ sách bình dân nữa và cùng một người bạn tên Nhất mở nhà sách NHẤT TIẾU lấy tên chung của hai người (ông Tiếu là sĩ quan trừ bị Thủ Đức - cùng khóa với tướng Ngô Quang Trưởng)

Khi thấy sách vở báo chí "làm ăn" được, nhiều nhà sách khác lần lượt khai trương như:

NHÀ SÁCH RẠNG ĐÔNG


NHÀ SÁCH BÌNH MINH

NHÀ SÁCH CHÂU TRÍ

NHÀ SÁCH THỐNG NHẤT

Khi "Ngũ bá" đã thành hình thì anh Tiếu "nhường ngôi" cho em là Trịnh Đình Thảo, anh Thảo đổi "Quốc hiệu" là TRÙNG DƯƠNG.

Anh Thảo phân trần: Tôi mê kiếm hiệp. Trong VÕ LÂM NGŨ BÁ, tôi ghiền Vương Trùng Dương nên lấy làm tên nhà sách nhưng thằng cha vẽ bản hiệu cứ nghĩ Trùng Dương là... trùng dương nên trên nền phông bảng hiệu vẽ thêm mấy con sóng ngoèn ngoèo. khi đem đến treo thì SỰ ĐÃ RỒI!

Còn nhà sách Đức Trí ra đời sau nên ít được nhắc đến.


1 nhận xét:

  1. Xin sửa 2 câu thơ lại cho đúng nguyên bản:

    Gấm Nhiễu Sô Sa Lương Lãnh Đọan
    Sách Vở Bút Mực Truyện Thơ Tuồng

    Trả lờiXóa